Cách sử dụng ChatGPT trong việc học: Prompt Engineering 101
Bao gồm hướng dẫn chi tiết cách thiết kế câu lệnh (prompt) cho ChatGPT
Trong thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi cách chúng ta làm việc, giải trí, và học tập. Với khả năng tự động hóa, xử lý thông tin nhanh chóng và hiệu quả, AI đang trở thành một công cụ hữu ích để cải thiện quá trình học tập. Trong bối cảnh này, việc sử dụng AI trong giáo dục không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn mở ra một thế giới mới của học tập cá nhân hóa và tiên tiến. Hãy cùng khám phá thế giới học tập sử dụng trí tuệ nhân tạo trong bài viết này!
Để chúng mình dừng bạn tại đây…
Đoạn giới thiệu bạn vừa đọc được viết hoàn toàn bởi ChatGPT 🤯
Thật khó tin nhỉ? ChatGPT đã dần dần trở thành một phần của quá trình học tập và cuộc sống của rất nhiều người trong chúng ta. Với khả năng trả lời bất cứ câu hỏi nào được đưa ra như vậy, ChatGPT sẽ có tác động như thế nào lên quá trình học và tiếp thu kiến thức của chúng ta?
👋 Chúng mình là Long và Phương, hai bạn trẻ hứng thú về cách học và ứng dụng của công nghệ trong việc học. Trong các tuần tới, chúng mình sẽ chia sẻ về cách sử dụng công nghệ AI ChatGPT trong quá trình học. Hy vọng chúng mình có thể kết nối với các bạn đọc để trao đổi thêm về chủ đề này!
Trong chuỗi bài đọc này, bạn sẽ học được:
Định nghĩa và vai trò của ChatGPT trong việc học
Một số tư duy quan trọng khi sử dụng ChatGPT
Một số cách giao tiếp với ChatGPT để biến nó thành một gia sư, một người bạn hỗ trợ bạn học
Ở bài blog đầu tiên này, cùng chúng mình tìm hiểu về định nghĩa của ChatGPT và cách ra lệnh cho ChatGPT để ra được những kết quả tốt nhất nhé.
ChatGPT và vai trò trong việc học
Để trả lời câu hỏi về việc sử dụng ChatGPT đóng vai trò như thế nào trong việc học, bạn cần trả lời hai câu hỏi cơ bản:
Việc học là gì? Việc học xảy ra như thế nào?
Công nghệ mà bạn đang sử dụng là gì? Nó hoạt động ra sao?
Nếu bạn không trả lời được hai câu hỏi này, rất khó để bạn có thể định hình được việc bạn sử dụng công nghệ này như thế nào. Bạn cũng rất khó có thể tìm ra gianh giới, khi nào thì ChatGPT hỗ trợ học tập và khi nào thì ChatGPT học hộ mình.
Chúng mình đang viết bài về 35 cách mà sinh viên/học sinh đang sử dụng AI trong việc học. Để chúng ta có thể chia sẻ cùng nhau những tips hay và hữu dụng trong việc áp dụng công nghệ vào việc học, hãy chia sẻ câu chuyện của bạn với chúng mình bằng cách điền vào link Notion sau nhé.
ChatGPT là gì?
ChatGPT được OpenAI phát triển và phát hành để thử nghiệm rộng rãi vào tháng 11 năm 2022. ChatGPT đã được coi là chatbot AI tốt nhất từ trước đến nay. Hơn một triệu người đã đăng ký sử dụng ChatGPT chỉ trong năm ngày. Những người dùng đã đăng các ví dụ về khả năng viết code, viết luận, làm bài tập toán, viết thơ hay viết cả những câu chuyện tình và câu chuyện hài.
Sau đây là một ví dụ của thuận toán mới nhất, ChatGPT-4.
Người dùng hỏi: Bạn có thể giải thích meme này không?
ChatGPT-4 trả lời:
Meme này là một lời nói đùa kết hợp giữa hai thứ không liên quan: hình ảnh Trái đất từ không gian và mẩu gà rán. Văn bản của meme gợi ý rằng hình ảnh dưới đây là một bức tranh đẹp của Trái đất từ không gian. Tuy nhiên, hình ảnh này thực sự là các mẩu gà rán được sắp xếp tương đối giống bản đồ thế giới. Sự hài hước trong meme này đến từ sự ghép đôi không ngờ giữa văn bản và hình ảnh. Văn bản đặt ra kỳ vọng về một bức ảnh vĩ đại của Trái đất, nhưng hình ảnh thực tế là một thứ tầm thường và ngộ nghĩnh.
ChatGPT là một loại công nghệ nằm trong mảng Generative AI (Generative Artificial Intelligence) có chức năng tạo nội dung mới, bao gồm âm thanh, code, hình ảnh, văn bản, mô phỏng và video. Từ góc độ người dùng, Generative AI có các thành phần chính như sau:
Định nghĩ của ChatGPT trên trang website của OpenAI:
We’ve trained a model called ChatGPT which interacts in a conversational way. The dialogue format makes it possible for ChatGPT to answer follow-up questions, admit its mistakes, challenge incorrect premises, and reject inappropriate requests.
Chúng tôi đã huấn luyện một mô hình được gọi là ChatGPT tương tác theo cách đối thoại. Định dạng đối thoại cho phép ChatGPT trả lời các câu hỏi được đưa ra, thừa nhận sai lầm của mình, thách thức các giả định không chính xác, và từ chối các yêu cầu không thích hợp.
Như ảnh dưới đây, ChatGPT đưa ra một câu trả lời rất đầy đủ và chi tiết khi được hỏi về lịch sử của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục.
Generative AI là gì?
ChatGPT (generative pretrained transformer) là một loại generative AI có khả năng tạo nội dung dưới dạng văn bản (text). ChatGPT là một chatbot miễn phí có thể tạo ra câu trả lời cho hầu hết mọi câu hỏi mà nó được hỏi.
Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) có thể hiểu được tiếng nói của con người và tạo ra nội dung rất mạch lạc, giống hệt như văn nói của con người. Công nghệ này đã được huấn luyện để làm theo hướng dẫn và cung cấp một những câu trả lời chi tiết.
Cách thiết kế câu lệnh cho ChatGPT
Prompt engineering: Editing and playing with prompts to come up with the results they want. They are the program the AI is following, where the goal is to generate a great image through trial-and-error and pushing the AI in the direction you want. - Ethan Mollick, One Useful Thing
Bạn đang không trò chuyện với ChatGPT, bạn ra câu lệnh (prompt) để nó thực hiện. - Ethan Mollick, One Useful Thing
Như chúng ta đã biết, ChatGPT được huấn luyện để đưa ra những câu trả lời dựa trên prompt đề ra. Vì vậy để giúp ChatGPT đưa kết quả tốt, chúng ta cần biết cách tạo ra những câu lệnh (prompt) cụ thể. Cách thiết kế câu lệnh này được gọi là “prompt engineering”.
Dưới đây là một số cách để người học và người dạy có thể cải thiện prompts hỏi ChatGPT, từ đó cải thiện chất lượng của câu trả lời ChatGPT đưa ra.
Cách hỏi ChatGPT cũng tương tự như cách bạn tìm đường trên thành phố. Google Map có thông tin về mọi địa chỉ mà bạn cần đến, và càng đưa thông tin chính xác thì cỗ máy này lại đưa cho bạn càng đúng đến điểm mà bạn cần.
Với Chat GPT, bạn có thể làm theo 3 bước:
Chỉ định vai trò: giúp thiết lập bối cảnh cho cuộc trò chuyện
Đưa một nhiệm vụ cụ thể: giúp câu của bạn có thêm cấu trúc và bối cảnh
Hướng dẫn cụ thể: giúp kết của cụ thể theo nhu cầu sử dụng
Hướng dẫn cụ thể
1️⃣ Chỉ định vai trò cho ChatGPT
Không có bối cảnh, ChatGPT sẽ khó có hướng đi cụ thể với câu hỏi bạn đưa ra. Cách hiệu quả nhất là đưa cho ChatGPT một vai trò cụ thể. Điều này giúp thiết lập bối cảnh cho cuộc trò chuyện của bạn và ChatGPT.
Ví dụ 1: Bạn là một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục, đặc biệt ở giao đoạn từ cấp 1 đến cấp 3. Bạn quan tâm tới việc đem lại công bằng trong giáo dục cho người học tại Việt Nam.
Ví dụ 2: Bạn là một thợ xây có 5-7 năm kinh nghiệm và bạn đang tìm hiểu về cách khắc phục việc quy hoạch đô thị để chống biến đổi khí hậu.
Dành cho những người làm trong lĩnh vực giáo dục, đây là một số vai trò bạn có thể chỉ định cho ChatGPT của mình:
Giáo viên cấp 3
Chuyên gia trong ngành
Thiết kế giảng dạy
Chuyên gia khoa học về việc học
Nhà nghiên cứu tại trường đại học
2️⃣ Đưa một nhiệm vụ cụ thể
Sau khi thiết lập vai trò cho ChatGPT, đưa cho ChatGPT một nhiệm vụ cụ thể để hoàn thành.
Ví dụ 1: Nhiệm vụ của bạn là thiết kế một bài giảng về X trong vòng 90 phút sử dụng một số nguồn sau [thêm đường link các tài liệu bạn muốn ChatGPT tham khảo].
Ví dụ 2: Nhiệm vụ của bạn là viết một bài luận tranh biện về sự khác nhau của X và Y dựa trên các nguồn sau [thêm đường link các tài liệu bạn muốn ChatGPT tham khảo].
Bằng việc đưa cho ChatGPT những vai trò và nhiệm vụ cụ thể, bạn cung cấp cho ChatGPT thêm cấu trúc và bối cảnh, giúp tạo ra những câu trả lời tốt hơn và đáng tin cậy hơn.
3️⃣ Đưa hướng dẫn cụ thể
Cuối cùng, trước khi bắt đầu ChatGPT thực hiện nhiệm vụ, hãy làm rõ ràng về những gì bạn muốn và không muốn ChatGPT trả lời. Nếu có thể, bạn nên đề xuất ví dụ và cấu trúc để hướng dẫn suy nghĩ và kết quả của ChatGPT.
Ví dụ 1: Giữ kế hoạch bài học ngắn nhất có thể, sử dụng các mục đơn nếu có thể. Trình bày kế hoạch bài học dưới dạng bảng với các cột sau: mục tiêu, tài nguyên, hoạt động, thời gian.
Ví dụ 2: Cung cấp một danh mục tài liệu tham khảo bao gồm peer-review, primary và secondary sources để viết bài luận của bạn. Đối với mỗi nguồn tài liệu tham khảo, viết tiêu đề và một mô tả 1-2 dóng về luận điểm chính của tài liệu đó.
Một số tips khi viết hướng dẫn cho ChatGPT:
Bẻ nhỏ các nhiệm vụ ChatGPT cần thực hiện thành các bước đơn lẻ thay vì yêu cầu ChatGPT thực hiện quá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Tránh để ChatGPT bị ngợp quá nhiều thông tin.
ChatGPT có thể dừng phản hồi giữa chừng, thông thường là vì đã đạt đến giới hạn số từ. Nếu điều này xảy ra, gõ "tiếp tục từ [trích dẫn năm từ cuối cùng]" ("continue from [quote last five words]”) để tiếp tục từ chỗ ChatGPT dừng viết.
Thư viện Prompt cho việc tự học
Click vào đây để tham khảo thư viện prompt cho việc tự học nhé. Thư viện hiện tại bao gồm:
Prompt để chấm bài: Prompt này sẽ hữu dụng cho học sinh và giáo viên, có thể phân tích những lỗi chính tả, ngữ pháp, lập luận và kết cấu câu của bài luận.
Prompt để làm người hỗ trợ học tập: Prompt này sẽ hữu dụng cho học sinh có thể tự lên kế hoạch học tập cho bản thân mình với một ngành mình mới học.
Hy vọng bài viết này đã cho bạn thêm một số cách đặt lệnh cho ChatGPT để mang lại những câu trả lời tốt hơn cho việc học của bạn. Comment ở bài blog này để cho bọn mình biết cách bạn thiết kế prompt của mình nhé.
Hẹn bạn 👋 tại những bài blog tiếp theo trong series “Cách sử dụng ChatGPT trong việc học” của mình và Bùi Hoàng Long.
p/s: Bạn có thể truy cập bài viết này ở format nhiều tương tác hơn tại bản Notion này.
Bạn thấy bài viết này hữu dụng? Chia sẻ cho những người bạn thấy phù hợp nhé <3
Hiện tại mình và team ở MỞ đang mở đơn đăng ký cho khoá học Writing On The Net (WOTN), một khoá học trực tuyến cohort-based giúp bạn vượt qua nỗi sợ chia sẻ bài viết của mình trên Internet, bắt đầu hành trình viết lách online bền vững, và kết nối với bloggers cùng chung chí hướng từ khắp nơi trên thế giới. Khoá học được dẫn dắt bởi Akwaaba, Tùng và Tuấn Mon. Bạn có thể tham khảo nhé:) Mình được truyền cảm hứng rất nhiều bởi cộng đồng WOTN để bắt đầu newsletter này của mình.